Ơ kìa, Hà Nội
- An Hoang
- Nov 25, 2022
- 4 min read
Updated: Nov 25, 2022
Hôm nay Cambridge mưa phùn, trời không lạnh, tầm mười độ C, bầu trời bàng bạc không có nắng. Mặc lên mình chiếc áo dạ mỏng, đẩy cửa ra ngoài, hít một hơi dài, chợt nghĩ "ơ kìa, hà nội?". Trong không khí có mùi ẩm thấp của cơn mưa như là một cơn mưa giáp Tết. Hôm qua nắng còn rực rỡ trên những khung cửa sổ và sáng lóa trên tấm mái mới lợp lại của 'Berg, hôm nay đất trời đã khoác lên mình một lớp áo bạc, một màu xám nhưng không hề ảm đạm mà trái lại nó tiềm tàng sức sống đã tĩnh lại, cô đọng trong từng hơi thở trĩu hơi nước. Từng ghét cái ẩm thấp của Hà Nội, bất kể mùa nào, ấy thế mà những lúc không khí mang đầy hơi nước, dù đang cách xa nửa quả địa cầu, tâm hồn trong tích tắc lại khắc khoải ngỡ rằng đang ở Hà Nội.
Tuần trước bị chấn thương phải dùng nạng. Bạn D. đã mang nạng cho mượn nên đồ đặt từ amazon về chưa kịp dùng thì đã không cần nữa, hôm nay rảnh rỗi khệ nệ đem cái thùng đặt lên xcutơ dắt đi trả. Chân còn đau. Bước đi chậm rãi trên đường phố vắng tanh của ngày thứ sáu sau lễ Tạ Ơn. Phố Cambridge vắng hệt như phố Hà Nội ngày Tết, người người nhà nhà đã về với gia đình, chỉ còn phố điềm nhiên ở lại. Thi thoảng phảng phất mùi như là mùi khói. Có lẽ có nhà đang đốt củi hoặc nhóm bếp nướng. Nhưng lại chỉ nghĩ đến mùi hóa vàng. Mùi giấy cháy ngập phố len lỏi trong cơn gió cuối đông. Mùi của Hà Nội.
Vài cửa hàng trên đại lộ Massachusetts bị đóng cửa. Do phá sản, như tờ giấy dán trên cửa thông báo, kéo tâm trí về thực tại. Cambridge vắng chẳng lãng mạn như Hà Nội vắng. Nó tiêu điều. Đại lộ dài tít tắp, đường nhựa loang loáng lớp nước mỏng. Có lẽ vì đã ở Cambridge suốt mùa dịch nên cái vắng tanh vắng ngắt này lại gợi sự đìu hiu.
Vừa đi đường vừa nghe Have a Sip như một thói quen. Đeo một bên tai nghe cuộc trò chuyện của chị Thùy Minh và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Những tập phỏng vấn người Hà Nội luôn có màu khác. Trịnh Lữ. Vũ. Chị Thùy Minh là một người host giỏi, tất nhiên chị không nói ngọng cũng chẳng phát âm sai, nhưng giọng chị không có màu Hà Nội. Bùi Thạc Chuyên là người Hà Nội, từ tiếng nói tới tông giọng tới phong thái toát ra đều thấy Hà Nội. Sự nhấn nhá nhả chữ từng hơi thở và cách xuống giọng ở cuối câu. Trầm ngâm. Sâu lắng. Hà Nội cũ. Hà Nội của bà và của bố, của lớp người xưa. Tiếng Hà Nội.
Trả xong cái thùng như trút được gánh nặng, vi vu lái xcutơ về. Gió mát tạt vào mặt, như lúc ngồi sau xe máy bố. Gió xe máy khác với gió đạp xe và gió đi bộ. Hồi bé ít ngồi yên, thích ngọ nguậy, quay qua quay lại ngó lên ngó xuống, nhìn đường phố nhìn nhà cửa. Ngồi sau lưng bố nhưng vẫn nghe gió thổi. Lái vòng qua Harvard Yard, tự mua thêm đường để kéo dài cơn gió. Lác đác vài du khách đang chụp ảnh trước Widener.
Về đến trước cửa nhà đánh rơi cốc trà mới mua chưa kịp uống. Vỡ toang. Trà đổ hết không còn một giọt nào. Nhưng không tức giận, chỉ cười xòa. Vụng quá. Lóc cóc đi mua cốc khác.
Sắp về nhà rồi nhưng lại sợ về nhà quá. Sợ thành phố không đẹp như kí ức, không lãng mạn như tâm hồn. Ba năm rồi, mình đã chẳng còn là mình của ba năm trước. Muốn ôm lấy Vy và ngồi ăn sáng với bố. Cây piano đặt ở phòng khách đã ba năm không được lên dây, chắc đã lệch tông. Nhớ bà nhưng sợ sang nhà bà, ngôi nhà không còn người ở chỉ có những chiếc bàn thờ và mùi hương khói. Hôm qua xem hài độc thoại của Gad, có đoạn i love missing my family. Liệu phần lớn người ta chỉ thích cảm giác nhớ nhung. Trong miền nhớ thì mọi vật đều đẹp hơn hiện thực nhiều lần.
Viết tiếng Anh thì gõ như muốn đốt cháy bàn phím, câu chữ túa ra không kiểm soát được. Sao viết tiếng Việt mà viết chậm thế. Viết được một câu, một mệnh đề chưa hoàn chỉnh lại đã ngừng, như thể não không còn nghĩ trôi chảy bằng thứ ngôn ngữ mẹ đẻ này nữa. Từ bé chưa bao giờ giỏi văn, nhưng nếu có ngày không còn biểu đạt bản thân được bằng tiếng Việt, chắc đau đớn lắm. Dạo trước viết một bài về tiếng mẹ đẻ, nhưng viết bằng tiếng Anh, tiêu đề Mother Tongue. Vẫn lưu trên máy. Đã viết rất nhiều về Cambridge, nhưng bỗng không có nhu cầu chia sẻ.
Đã bao lâu chưa đọc một quyển sách tiếng Việt, chưa xuýt xoa trước những tinh túy câu chữ của các bậc thầy ngôn ngữ. Đã có ai nhớ nhà văn chưa nhỉ. Chợt nhớ Thạch Lam, nhớ Nguyễn Tuân, nhớ Vũ Bằng. Nhớ lần đầu đọc tùy bút "Phở" của Nguyễn Tuân đả kích cách ăn phở mà cho cả húng lìu và dầu vừng, bật cười trước sự đanh đá của cụ, "những cái lối tìm tòi ấy không thọ, vì trình độ nhận thức của quần chúng phở không sa đoạ như người chế tạo." Giả như bây giờ cụ Tuân sang Mỹ ăn một bát phở ở Harvard Square thì mới thấy thế nào là sự sa đọa của trình độ phở. Vũ Bằng thì viết "Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều tháng một ở Hà Nội, người nào cũng muốn làm thơ." Một buổi chiều đông ở tận nước Mỹ xa xôi, mưa đưa hồn về với chiều tháng một Hà Nội, cũng muốn viết.
Comments